Hướng dẫn mới (29/05/2015) của Bộ Y Tế về điều trị kháng HIV bằng ARV

Ngày 29/05/2015 Bộ Y Tế đã ban hành văn bản số: 3655/BYT-AIDS về việc áp dụng tiêu chuẩn điều trị mới HIV/AIDS. Điểm mới của tiêu chuẩn điều trị ARV mới là việc nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV ở người lớn và trẻ trên 5 tuổi theo chỉ số CD4 từ  dưới hoặc bằng 350 tế bào/mm3 thành dưới hoặc bằng 500 tế bào/mm3.

Đây là bước tiến quan trọng tạo điều kiện cho nhiều bệnh nhân được tiếp cận sớm với việc điều trị ARV, tăng hiệu quả điều trị hướng đến đạt được mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020. Điều này phù hợp với các công bố khoa học gần đây, trong đó nhấn mạnh vai trò tích cực của điều trị ARV sớm trên bệnh nhân HIV, mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Những bằng chứng khoa học mới đây cho thấy, việc tuân thủ điều trị ARV và khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu sẽ giúp làm giảm 96% khả năng lây nhiễm của người bệnh. Do đó, những thay đổi này đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh sớm tiếp cận được điều trị ARV, nâng cao hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh, mang lại lợi ích to lớn cho dự phòng lây nhiễm HIV, góp phần khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng.

Các đối tượng được điều trị ARV theo các tiêu chuẩn mới sau:

* Đối với người lớn và trẻ em trên 5 tuổi:

1. CD4 dưới hoặc bằng 500/mm3

2. Điều trị ARV không phụ thuộc CD4: 

- Người nhiễm HIV thuộc giai đoạn lâm sàng 3 hay 4 bao gồm mắc bệnh lao.

- Đồng nhiễm viêm gan B, C.

- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nhiễm HIV

- Người nhiễm HIV có vợ/chồng hoặc bạn tình không nhiễm HIV

- Người nhiễm HIV thuộc các quần thể nguy cơ bao gồm: người tiêm chích ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới.

- Người nhiễm HIV trên hoặc bằng 50 tuổi

- Người nhiễm HIV sinh sống làm việc tại khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa


* Đối với trẻ dưới 5 tuổi:

- Bắt đầu điều trị ARV cho tất cả trẻ em dưới 5 tuổi không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng CD4.

- Bắt đầu điều trị ARV cho trẻ dưới 18 tháng tuổi có kết quả PCR dương tính hoặc kết quả kháng thể kháng HIV dương tính và có các biểu hiện sau: nấm miệng, viêm phổi nặng, nhiễm trùng nặng hoặc có bất kỳ bệnh lý nào của giai đoạn AIDS. 

Các phác đồ ARV bậc 1:

1. Cho người lớn và trẻ em trên 10 tuổi, (bao gồm cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV)

Phác đồ chính: TDF + 3TC + EFV

Phác đồ thay thế:

- Nếu chống chỉ định TDF thay thế bằng: AZT + 3TC + EFV

- Nếu chống chỉ định EFV thay thế bằngTDF + 3TC + NVP

- Có thể sử dụng Emtricitabine (FTC) thay thế cho 3TC

2. Trẻ em từ 3-10 tuổi:

Phác đồ chính: ABC + 3TC + EFV

Phác đồ thay thế:

- Nếu chống chỉ định ABC thay thế bằng phác đồAZT + 3TC + EFV

- Nếu chống chỉ định EFV thay thế bằng phác đồABC + 3TC + NVP

- Có thể sử dụng Emtricitabine (FTC) thay thế cho 3TC

3. Trẻ em dưới 3 tuổi: 

Phác đồ chính: ABC + 3TC + LPV/r

Phác đồ thay thế:

- Nếu chống chỉ định ABC thay thế bằngAZT

- Nếu chống chỉ định LPV/r thay thế bằngNVP

Hiện nay, có khoảng gần 100.000 bệnh nhân được điều trị ARV trong cả nước. Số lượng người nhiễm HIV trên cả nước ước tính là gần 300.000 người.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn điều trị ARV mới này tại Việt nam sẽ góp phần phát huy các thành quả đã đạt được trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS và hưởng ứng các mục tiêu 90 - 90 - 90 mà Liên hợp quốc đã đề ra, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam.

Tháng 7 năm 2014, Liên hợp quốc đã đã khởi xướng các mục tiêu 90-90-90 tức là: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định hay còn gọi là tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Nếu các quốc gia đạt được 3 mục tiêu 90 - 90 - 90 thì có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Hiện nay vẫn chưa tìm ra được thuốc điều trị khỏi hẳn HIV/AIDS, các bệnh nhân vẫn phải uống ARV suốt đời. Thuốc ARV bậc 1 và bậc 2 được cấp miễn phí cho bệnh nhân tại các phòng khám ngoại trú trong cả nước, ARV bậc 3 và 4 rất đắt tiền. Bệnh nhân cần tuân thủ tốt khi uống ARV để tránh kháng thuốc.

Xem chi tiết văn bản số: 3655/BYT-AIDS:  

/kcfinder/upload/files/huongdandieutrihiv052015.pdf

Nếu bạn muốn biết: Làm thế nào để có thể sống bình thường, khỏe mạnh trên 30 năm sau khi nhiễm HIV thì hãy đọc:

BÍ QUYẾT ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS