Cập nhật tin nóng y tế trong nước và quốc tế tới 14/10/14
1.Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM): Cứu sống bệnh nhi SXH nặng
Ngày 11/10, Bệnh viện Nhi đồng 1(TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị, cứu sống trường hợp sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng đã tổn thương gan và kèm theo suy hô hấp nghiêm trọng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi N.V.T. (5 tuổi, ngụ tỉnh Long An) được chuyển từ bệnh viện địa phương đến Bệnh viện Nhi đồng 1 với chẩn đoán sốc SXH nặng, suy hô hấp nặng. Trước khi nhập viện, bệnh nhi đã sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4 thì bé đau bụng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Vì vậy, gia đình mới đưa bé nhập viện. Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi được truyền dịch chống sốc nhưng vẫn bị sốc kéo dài, khó thở, bụng phình căng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé đã tổn thương gan nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé T. được chẩn đoán sốc SXH nặng ngày 4 kèm suy hô hấp nặng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan. Các bác sĩ đã điều trị tích cực với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại qua hơn một tuần để cứu sống bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của bé T. đã ổn định.
2.Quảng Ngãi: Xử phạt thầy lang bốc thuốc không rõ nguồn gốc làm 4 người nhập viện
Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi vừa ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với ông Đỗ Văn Vân, ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh vì hành vi hành nghề bốc, bán thuốc nhưng không có chứng chỉ hành nghề.
Trước đó, ngày 17/9, 4 người dân tại thành phố Quảng Ngãi qua lời giới thiệu của một người quen đã mua các thang thuốc của ông Vân về uống. Sau khi uống được vài thang, cả 4 người đều dấu hiệu sốt, dị ứng khắp cơ thể và khó thở. Trong đó 2 người bị nặng phải chuyển viện điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra tại nhà ở ông Vân đồng thời là nơi chế biến, bốc thuốc. Kết quả đoàn thanh tra phát hiện trong thang thuốc ông Vân có sử dụng cây lùng bung. Đây là loại cây không có trong danh mục cho phép lưu hành của Bộ Y tế. Ông Vân còn bán cả những loại miếng dán giảm đau, cao động vật uống kèm với thuốc đều không rõ nguồn gốc và không được phép sử dụng. Cùng với quyết định xử phạt ông Vân 30 triệu đồng, Thanh tra Sở Y tế Quảng Ngãi buộc ông Vân phải có trách nhiệm bồi thường cho các bệnh nhân theo thỏa thuận giữa 2 bên.
3.Cần điều tra làm rõ việc xe cứu thương bỏ mặc người bị tai nạn giao thông
Khoảng 8h30 sáng 11/10, khi đang lưu thông trên cầu Thanh Trì theo hướng đi quốc lộ 5, người phụ nữ điều khiển chiếc xe máy biển kiểm soát 19U1-7906 bất ngờ bị nổ lốp trước và mất lái đâm vào rào chắn giữa hai làn đường. Do cú va chạm mạnh, người phụ nữ cầm lái đã tử vong tại chỗ còn người ngồi phía sau bị thương nặng. Nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm họ nhìn thấy một xe cứu thương lưu thông cùng chiều. Nhiều người ra hiệu “cầu cứu” xe cứu thương dừng lại để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, theo phản ánh, tài xế chiếc xe này đã từ chối và tiếp tục di chuyển qua hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Vụ việc đã khiến nhiều người vô cùng bức xúc.
Trước tình huống này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, việc xe cấp cứu bỏ qua, không có động thái hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn trên đường như người dân phản nếu đúng là sự thật thì không thể chấp nhận. Không chỉ nói về khía cạnh nhân văn - nhân đạo trong cộng đồng mà về quy chế Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc do Bộ Y tế ban hành cũng đã quy định rõ: cấp cứu, hồi sức tích cực là việc hết sức quan trọng. Các đơn vị cấp cứu 115, cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện cấp cứu, hồi sức tích cực kịp thời, trong mọi trường hợp. Với tất cả các trường hợp cần được cấp cứu, hồi sức tích cực các đơn vị, cán bộ đều phải khẩn trương thực hiện, không được gây khó khăn về thủ tục, không được đùn đẩy bệnh nhân, người bị nạn. Quy định này áp dụng cho đơn vị cấp cứu 115, các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân. Theo ông Khoa, nếu trong trường hợp theo phản ánh từ người dân chiếc xe cấp cứu được cho là của một đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Nội quản lý thì Sở Y tế Hà Nội cần làm rõ sự việc.
Trước thông tin về chiếc xe cấp cứu bỏ mặc nạn nhân bị tai nạn giao thông, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho rằng, ngay cả trong tình huống xe cấp cứu đó đang có bệnh nhân cũng vẫn cần dừng lại và tham gia hỗ trợ y tế trong điều kiện cho phép, bởi vì khi chuyển bệnh nhân bao giờ cũng phải có bác sĩ và y tá cùng các phương tiện, thiết bị cho cấp cứu, hồi sức có trang bị trên xe. Sở Y tế sẽ sớm xem xét, làm rõ sự việc để biết được chính xác để xử lý phù hợp. Tuy nhiên, cũng kiểm tra kỹ đó là xe thuộc đơn vị đã cấp phép hay xe cấp cứu “dù”, của cá nhân chưa đăng ký hoạt động chuyên môn.
4. BÌNH ĐỊNH: Buộc thôi việc 19 nhân viên y tế học đường sử dụng bằng giả
UBND huyện Tuy Phước vừa có văn bản thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi việc với 19 cán bộ y tế học đường của 19 trường tiểu học và THCS đóng trên địa bàn huyện. Quyết định này dựa trên đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Nội vụ huyện, vì những viên chức này đã sử dụng bằng Trung cấp điều dưỡng giả để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, một cán bộ y tế học đường khác cũng liên quan đến vụ việc này nhưng chưa xem xét xử lý kỷ luật vì đang mang thai.
Trong 19 người liên quan đến đường dây môi giới, làm và sử dụng bằng giả bị phát giác và bị buộc thôi việc nêu trên, có 2 đối tượng là Phạm Thị Xuân Mai (44 tuổi, ở xã Phước Lộc, nguyên nhân viên y tế Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp, Tuy Phước) và Trình Thị Ngọc Hậu (38 tuổi, ở xã Phước Hiệp, nguyên nhân viên y tế Trường THCS Phước Hiệp) đã bị TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt mức án lần lượt là 12 tháng tù và 18 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
5. Bộ Y tế: Sinh vật lạ trong mỳ tôm là tin thất thiệt
Sau khi xác minh thông tin, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế khẳng định, thông tin có sinh vật lạ trong mỳ tôm tại Nghệ An là tin đồn thất thiệt. Trước đó, Cục ATTP đã nhận được thông tin phản ánh “nghi ngờ sinh vật lạ có trong mỳ tôm” tại Nghệ An và chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Nghệ An xác minh thông tin.
Ngày 7/10/2014, Chi cục ATVSTP Nghệ An đã tìm hiểu và xác minh thông tin này. Theo đó, người thông tin này không đưa ra được bằng chứng để chứng minh thông tin mà họ phản ánh như các báo đưa tin. Chi cục ATVSTP Nghệ An đã giải thích, nếu người đưa thông tin không cung cấp được bằng chứng và không có mẫu lưu đưa đi kiểm nghiệm để truy suất nguồn gốc thì rất khó có thể bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng.
Chi cục cũng đã phân tích quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền là quy trình khép kín, với công đoạn hấp ở nhiệt độ trên 1000C và qua công đoạn chiên dầu ở nhiệt độ từ 1300-1500C sấy khô và đóng gói trên dây chuyền công nghệ khép kín, còn khi sử dụng phải chế nước sôi đến 1000C thì không có sinh vật hay ấu trùng nào có thể sống được. Đây là lần thứ 2 trên địa bàn Hà Tĩnh và Nghệ An xảy ra sự việc nêu trên và kết quả xác minh thông tin chỉ là tin đồn thất thiệt.
6. Cục An toàn thực phẩm: Bốn sản phẩm thực phẩm bị đình chỉ lưu thông
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra Quyết định thu hồi hiệu lực bốn Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm (TCSP) đã cấp cho Công ty TNHH sản xuất Thương mại thực phẩm Miền Ðông (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
Cụ thể, là các Giấy chứng nhận TCSP thực phẩm bổ sung sản phẩm dinh dưỡng: US Sure; US Sure Gold; Fri Sure Gold; Fri Sure Advance. Các sản phẩm bị thu hồi do công ty này đã dừng sản xuất bốn sản phẩm nêu trên từ ngày 15-8 và có đơn xin nộp lại bốn giấy chứng nhận TCSP nêu trên và đình chỉ việc lưu hành bốn sản phẩm này từ ngày 6/10.
7. Bệnh viện Nhi Đồng 2: Bé gái hồi sinh từ lá gan của mẹ
Ngày 11/8, Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, người đã tham gia từ ca ghép gan đầu tiên đến ca ghép gan thứ 8 tại bệnh viện trên cho biết: sau hơn một tháng được mẹ cho gan để ghép, cháu P.N.M.H, 13 tháng tuổi, ở Q.8, TP.HCM (ca ghép gan thứ 8 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM) đã tăng ký và được xuất viện.
Trước đó, ngày 4/9, cháu H. được Bệnh viện Nhi Đồng 2 phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Saint Luc, Vương Quốc Bỉ thực hiện ghép gan. Sau một tuần được ghép gan, bệnh nhi đã có triệu chứng thải ghép cấp nhưng đã được các bác sĩ điều trị kịp thời. Bệnh nhi được chỉ định ghép gan vì trước đó đã được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối, có biến chứng nhiễm trùng đường mật, viêm phổi, tăng áp tĩnh mạch cửa, suy dinh dưỡng.
8. Bệnh viện Mắt TP.HCM: Khám mắt miễn phí cho người trên 60 tuổi
Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới (9/10/2014), Bệnh viện Mắt TP.HCM tổ chức chương trình khám mắt miễn phí cho người trên 60 tuổi.
Chương trình được thực hiện vào ngày thứ Sáu 10/10, tại Đơn vị Đào tạo và chăm sóc mắt cộng đồng - Bệnh viện Mắt TP.HCM.
9. Long An: Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức khám bệnh cho người dân vùng biên giới
Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, ngày 11/10, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Long An phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân khu vực biên giới.
Đoàn đã khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 200 lượt bệnh nhân nghèo xã biên giới Bình Hiệp và 100 lượt người thuộc Hội người cao tuổi thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, các y bác sĩ còn trực tiếp phổ biến, hướng dẫn người dân một số phương pháp để chủ động, phòng chống các loại bệnh thường gặp. Tổng trị giá tiền thuốc và quà hơn 90 triệu đồng.
Trong niềm phấn khởi, ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, cho biết: “Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, cuộc sống người dân còn thiếu thốn, điều kiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn hạn chế. Đợt khám bệnh lần này giúp người dân sớm phát hiện bệnh lý để kịp thời chữa trị, chủ động vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật. Hoạt động này làm tăng thêm tình đoàn kết quân dân nơi biên giới”.
10. Diên viên Quyền Linh, Bình Minh hết lòng vì bệnh nhân nghèo
Với sự nhiệt tình và hết lòng vì những bệnh nhân nghèo, ngày 10/10, MC Quyền Linh, vợ chồng diễn viên Bình Minh cùng các nghệ sĩ khác đã có một buổi làm việc ý nghĩa tại Bệnh viện Hùng Vương trong khuôn khổ hoạt động Gắn kết yêu thương, đem lại niềm vui và nụ cười cho các bệnh nhân nghèo nơi đây.
11. Chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo vẫn đi gieo nụ cười
Bị ung thư xương từ năm học lớp 10 phải chống chọi với bệnh tật nhưng Liêm vẫn thi đỗ vào lớp chất lượng cao Khoa Sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội và dành thời gian tiếp sức cho bệnh nhi bị ung thư.
Mở cánh cổng sắt bước vào nhà, hình ảnh Chử Đức Liêm gây ấn tượng mạnh với chúng tôi khi di chuyển bằng nạng gỗ với một bên chân đã tháo khớp. Chử Đức Liêm (sinh năm 1992, ở Thanh Trì, Hà Nội). Năm học lớp 10, Liêm bị bệnh ung thư xương. Một lần thấy chân đau buốt, như bị thấp khớp, Liêm được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa trị. Bệnh thuyên giảm thời gian ngắn, hết thuốc chân Liêm lại đau nhức trở lại. Bác sỹ chuyển Liêm đến Bệnh viện K Tam Hiệp, ở đây Liêm biết sự thực căn bệnh mình đang đối diện. Hoang mang, sợ hãi, nghĩ cái chết đang cận kề, Liêm suy sụp tinh thần. Nhưng Liêm đã vững tinh thần trở lại nhờ sự động viên, chia sẻ của người thân, bạn bè. Những ngày điều trị hóa chất bác sỹ xác định phải tháo khớp một chân để ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Đó là những ngày tháng 8/2008. Liêm tâm sự: “Bạn bè đến thăm động viên em trước khi tháo chân. Em òa khóc. Em gần như tuyệt vọng. Em sẽ không thể tham gia sinh hoạt bình thường như các bạn”... Đầu năm 2009, Liêm được ra viện và quay trở lại Trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì - Hà Nội) tiếp tục học hết lớp 11, 12 và ôn thi vào đại học. Ngày đi thi đại học, không ai nhận ra Liêm khuyết một chân, bởi Liêm đi chân giả. Liêm trúng tuyển lớp chất lượng cao Khoa Sử, Trường KHXH&NV Hà Nội trong niềm vui, ngỡ ngàng, thán phục của bạn bè và gia đình.
Thế rồi số phận vẫn chưa mỉm cười với Liêm, Liêm bị di căn sang phổi khi vừa học hết năm thứ nhất đại học. Liêm đành gác lại chuyện học, bảo lưu kết quả để đến viện điều trị. Suốt ba năm, Liêm làm bạn với giường bệnh, hiện tại cứ 15 ngày Liêm phải xạ trị một lần. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên ở Liêm là Liêm không bi quan, hay than thở mà ngược lại luôn nở nụ cười, lạc quan.
Liêm luôn ấp ủ lời mẹ dạy: “Ta sống trong thời gian bao lâu không quan trọng. Quan trọng là trong quãng đời mình làm được gì để cuộc sống có thêm ý nghĩa”. Chính lời dạy ấy thôi thúc Liêm làm việc thiện nguyện. Liêm tâm sự: Lần đầu tiên biết về tấm gương Lê Thanh Thúy bị ung thư xương vẫn lạc quan giúp đỡ nhiều em nhỏ bị ung thư, Liêm tìm đọc cuốn sách “Xin hãy cho con thêm thời gian” và cảm thấy cần phải hành động, phải làm việc có giá trị để cuộc sống này thêm ý nghĩa. Tiếp xúc nhiều với bệnh nhi bị ung thư ở Bệnh viện K. Tân Triều, Liêm có sự đồng cảm đặc biệt. Liêm nảy ra ý định thành lập CLB Nụ cười nhằm tổ chức các chương trình gieo niềm vui, nụ cười, tiếp thêm nghị lực cho những em nhỏ nơi đây. Ý tưởng đưa ra được nhiều người thân, bạn bè, thầy cô và các nhà hảo tâm ủng hộ. Liêm bắt tay vào thành lập CLB với 30 thành viên và nhiều cộng tác viên, liên tục tổ chức các chương trình ý nghĩa. Đến nay Liêm và các bạn đã tổ chức được 9 chương trình trong chuỗi chương trình “Sáng mãi nụ cười em”.
Mỗi tháng CLB tổ chức vui chơi, xem phim, tặng quà, chơi trò trí tuệ... Có những chương trình để lại dấu ấn đậm nét như chương trình hướng về năm học mới, mang không khí năm học mới đến bệnh viện. Hầu hết các em khi điều trị tại bệnh viện đều bỏ dang dở việc học, mỗi dịp tựu trường, các em đều nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè, các thành viên trong CLB Nụ cười đã giúp các em vơi đi nỗi nhớ, có niềm vui tựu trường thực sự. Do tình trạng sức khỏe không tốt, thường xuyên phải trị xạ nên Liêm chỉ điều hành và theo dõi hoạt động qua facebook. Liêm luôn tranh thủ từng ngày được nghỉ để vận động, quyên góp và sắp xếp, điều phối hoạt động. Liêm tâm sự: “Mình chỉ mong sức khỏe ổn định để trở lại giảng đường, duy trì hoạt động và phát triển CLB Nụ cười”.
Hy vọng nghị lực và tấm lòng của Liêm sẽ giúp Liêm chiến thắng bệnh tật, gieo tiếp những nụ cười.
12. Đà Nẵng: 1.000 người đi bộ "cho một trái tim khỏe"
"Môi trường lành mạnh cho một trái tim khỏe" là chủ đề chương trình đi bộ tại công viên Biển Đông (Đà Nẵng), thu hút 1.000 người tham gia sáng 11/10.Từ sáng sớm, các đoàn viên, thanh niên cùng nhiều thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tim mạch trên cả nước đã tập trung về công viên Biển Đông, bắt đầu chương trình đi bộ vì sức khỏe tim mạch năm 2014, dọc đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà). Đây là chương trình bên lề hội nghị tim mạch toàn quốc lần thứ 14, do Hội tim mạch học Việt Nam phối hợp Sở Y tế TP. Đà Nẵng tổ chức, dự kiến được khai mạc sáng 12/10 tại TP. Đà Nẵng. Cũng ngay tại công viên Biển Đông, các bác sĩ đã khám, tư vấn miễn phí một số bệnh về tim mạch cho người dân.
Theo GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, bệnh tim mạch đã và đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Do đó ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng việc giảm thiểu thuốc lá, bia rượu, tập thể dục 10 phút hay đi bộ 30 phút mỗi ngày. Trên thế giới, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, cứ hai giây lại có một người tử vong vì căn bệnh này. Ước tính hàng năm có 17,5 triệu người tử vong do mắc các bệnh về tim mạch. Và dự đoán đến năm 2015 sẽ có 20 triệu người trên thế giới chết vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, theo thống kê năm 1980, tỷ lệ tăng huyết áp là 11% ở độ tuổi từ 50 đến 60, thì đến năm 2009 tăng lên đến 25%, và độ tuổi mắc bệnh từ 22 tuổi trở lên. Dự đoán đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 20% dân số mắc bệnh tim mạch. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.
13. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang: Thay khớp thành công cho bệnh nhân 100 tuổi
Cụ Huỳnh Thị Đặng (huyện Châu Phú, An Giang) vừa được phẫu thuật thay khớp háng sau cú ngã gãy chân. Đây là trường hợp hy hữu vì cụ đã có tuổi rất cao.
Ngày 11/10, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết vừa phẫu thuật thành công cho cụ bà sinh năm 1914 bị gãy xương đùi.
Theo các bác sĩ, đây là ca bệnh hy hữu vì hiếm có người nào tuổi cao như cụ mà chịu đựng được gây mê hồi sức và phẫu thuật. Hiện sức khỏe bệnh nhân rất tốt, vài ngày tới có thể xuất viện. "Hôm trước bị đưa vào phòng phẫu thuật bà sợ lắm. Vậy mà không ngờ giờ cái chân đã bớt đau hẳn", cụ Đặng móm mém nói. Người nhà của cụ cho biết, trước đó phải giải thích rất nhiều cụ mới chịu vào phòng phẫu thuật.
14. Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ: Cứu bà lão 81 tuổi phình động mạch chủ bụng nặng
Ngày 8/10/2014, bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: ê kíp bác sĩ vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân Đào Thị Tr., 81 tuổi, ở huyện Thới Lai, bị phình động mạch chủ bụng. Bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường. Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân đau bụng quanh rốn và hạ vị, tự sờ phát hiện khối u vùng cạnh rốn, có mạch đập.
Bệnh nhân đến BV Đa khoa TP. Cần Thơ, các bác sĩ thăm khám, thực hiện các kỹ thuật siêu âm, CT Scan bụng, phát hiện bệnh nhân bị phình bóc tách động mạch chủ bụng, với kích thước 8 x 10cm. Ê kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ khối phình động mạch chủ chậu, ghép bằng ống ghép nhân tạo hình chữ Y. Sau phẫu thuật 2 giờ, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, đây là trường hợp phình động mạch chủ bụng nặng được phát hiện sớm, phình bóc tách chưa vỡ, phẫu thuật không mất máu nên bệnh nhân hồi phục sớm, tỷ lệ tử vong rất thấp. Ngược lại, nhiều trường hợp phình động mạch chủ vỡ, khiến bệnh nhân mất máu nặng, tiềm ẩn nguy cơ tử vong trước khi vào viện.
15. Bộ Y tế: Phát động Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella
Sáng 11/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức phát động Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự và phát động chiến dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bệnh sởi và rubella là 2 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm bởi số người mắc cao, bệnh dễ lây và bùng phát thành dịch lớn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 17/9/2014 về việc tổ chức triển khai tiêm phòng vaccine phòng bệnh sởi và rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015 cho tất cả trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, với số lượng khoảng 23 triệu trẻ trên phạm vi cả nước từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015. Mục tiêu của chiến dịch là đạt tỷ lệ trên 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine sởi – rubella.
Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành việc tập huấn tiêm chủng cho cán bộ các tuyến của 63/63 tỉnh, thành phố; tiếp nhận và cung cấp 9.399.640 liều vaccine cho các tỉnh, thành phố, đảm bảo đủ vaccine theo kế hoạch triển khai. Hiện đã có gần 460.000 trẻ được tiêm vaccine sởi - rubella tại 15 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, một trong những hoạt động chăm sóc trẻ em có ý nghĩa lớn là Việt Nam đã triển khai tiêm chủng mở rộng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng trẻ em. “Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella trong tiêm chủng mở rộng cho tất cả trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên phạm vi cả nước là việc làm thiết thực, quy mô và có tầm quan trọng đặc biệt” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định.
Từ những ý nghĩa trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể người dân, nhất là các gia đình có trẻ từ 1 đến 14 tuổi hãy hưởng ứng và tích cực tham gia chiến dịch này. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần xây dựng và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chiến dịch, huy động các ban, ngành, hệ thống chính trị tham gia với quyết tâm cao độ, cũng như bảo đảm đủ nguồn lực để chiến dịch tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, an toàn và hiệu quả.
16.Tạm trú cũng được đăng ký KCB ban đầu BHYT
Bộ Y tế vừa rà soát, bổ sung một số điều quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BYT Hướng dẫn đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu và chuyển tuyến KCB bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó quy mô cơ sở được nhận KCB BHYT mở rộng đến các Phòng khám nội tổng hợp, Phòng khám nhi, Phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân độc lập. Các cơ sở y tế y học cổ truyền công lập hay tư nhân các cấp, Trạm y tế hay Phòng khám quân - dân y, Quân y đồn biên phòng, BV quân - y các cấp, kể cả cơ sở chưa xếp hạng. BV Nhi, BV Sản Nhi hạng I, hạng II trực thuộc Sở Y tế không phải tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật cũng được tiếp nhận bệnh nhân BHYT ban đầu. Đối với tuyến TƯ, thông tư bổ sung BV đa khoa hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng và Viện y học cổ truyền quân đội.
Các cơ sở y tế nói trên phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu như: Có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm đáp ứng nhu cầu KCB thông thường và xử trí cấp cứu ban đầu, cung ứng, cấp phát thuốc trong phạm vi chuyên môn được quy định. Phòng khám đa khoa, phải có ít nhất 3 chuyên khoa: Nội, ngoại và một trong các chuyên khoa răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng, mắt. Riêng Phòng khám đa khoa có khám chữa bệnh cho trẻ em phải có chuyên khoa nội nhi.
Về nhân lực, đối với Phòng khám đa khoa khu vực chưa có bác sĩ ở các tỉnh có vùng cao, vùng sâu, hải đảo, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, phải có y sỹ đa khoa hoặc y sỹ đa khoa hệ nội - nhi. Các cơ sở chỉ được khám bệnh, chữa bệnh, xử trí cấp cứu ban đầu và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trong KCB theo phạm vi chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt; KCB thông thường đối với trẻ em (trong trường hợp có bác sỹ có chứng chỉ hành nghề về nhi khoa).
Về đối tượng được đăng ký KCB ban đầu BHYT, thông tư mở rộng không phân biệt địa giới hành chính và BV huyện nơi người tham gia BHYT cư trú đã được xếp hạng là bệnh viện hạng 2. Người tham gia BHYT sống tại xã đảo, huyện đảo được đăng ký KCB ban đầu tại các trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân đội trên các xã đảo hoặc được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại 1 cơ sở KCB thuận lợi nhất trên đất liền (nếu trên các xã đảo không có cơ sở khám chữa bệnh).
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể vấn đề chuyển tuyến điều trị, bổ sung một số điều khoản quy định về chuyển tuyến KCB… Dự kiến Thông tư sửa đổi này sẽ được ký và thực hiện từ đầu năm 2015.
17. Bộ trưởng Y tế: “Văcxin sởi-rubella an toàn với trẻ”
Sáng 11/10, tại Lễ phát động Chiến dịch tiêm văcxin sởi-rubella tại THCS Lê Quý Đôn, Hà Nội do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Gần 800.000 trẻ được tiêm văcxin phối hợp phòng hai bệnh sởi và rubella tại 23 địa phương. Việc tiêm chủng diễn ra an toàn và hiệu quả, chỉ một số bị sốt nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn”.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dịch sởi ghi nhận tại 175 trong số 194 nước trên thế giới. Hầu như những người chưa có miễn dịch, chưa được tiêm chủng hoặc chưa bị sởi thì đều có thể mắc. Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai nếu mắc bệnh rubella có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh cho trẻ. Bộ Y tế tổ chức tiêm văcxin sởi-rubella cho 23 triệu trẻ 1-14 tuổi từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015. Mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 95% số trẻ trong diện được tiêm. Bộ đã tiếp nhận và cung cấp hơn 9 triệu liều văcxin cho các tỉnh, thành, đảm bảo đủ văcxin; đồng thời hoàn thành việc tập huấn cho các bộ các tuyến tại 63 tỉnh, thành. “Đây là văcxin 2 trong 1 duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng tiền thẩm định. Đến nay đã có gần 800.000 trẻ được tiêm, chỉ một số ít bị sốt nhẹ. Điều này cho thấy việc tiêm chủng diễn ra an toàn, hiệu quả”, Bộ trưởng Tiến nói.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: Tiêm chủng mở rộng là một trong những biện pháp can thiệp y tế có hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Ông đề xuất Bộ Y tế Việt Nam cần tiếp cận tới mọi trẻ em và đảm bảo không có trẻ nào bị sốt. Những trẻ Chương trình tiêm chủng chưa tiếp cận được là những trẻ dễ bị tổn thương nhất.
18. Phối hợp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế đã ký kết Chương trình phối hợp thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2014 - 2020.
Chương trình phối hợp tập trung vào 2 nội dung chính: Nghiên cứu, đánh giá, đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến bình đẳng giới; Truyền thông - giáo dục nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới để kiểm soát và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
19.Tiếp nhận hơn 27 triệu liều vaccine sởi - rubella
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến thời điểm này đã có 26/63 tỉnh, TP triển khai tiêm vaccine sởi - rubella với tổng số trẻ được tiêm là hơn 757.000 trẻ, đạt tỷ lệ 44,1%. Số trẻ hoãn tiêm là hơn 30.000 trẻ.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, vaccine sởi - rubella sẽ được cung ứng cho chiến dịch với tổng số 27.052.100 liều được tiếp nhận trong 4 đợt, và tiếp tục tiêm từ nay đến hết tháng 12.
20. Lập đường dây nóng giải đáp thắc mắc về chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella
Ngày 10/10, theo tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhằm giải đáp các nội dung liên quan đến chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc, cung cấp các thông tin phục vụ người dân có trẻ trong độ tuổi thuộc chiến dịch tiêm chủng này, Bộ Y tế thiết lập đường dây nóng với số điện thoại: 04-39721334; 096.385.1919.
- Đường dây nóng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khu vực Tây Nguyên - Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: 0986950569/ 0914059557/ 0914042644
- Đường dây nóng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khu vực Nha Trang, Khánh Hòa - Viện Pasteur Nha Trang: 0914103331/0934808630
- Đường dây nóng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ TW, điện thoại: 04-39721334
- Đường dây nóng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, số điện thoại: 096.385.1919
21. Các trường mầm non dân lập và công lập: Không có phòng y tế
Ở các trường mầm non, do không được cấp cứu kịp thời nên nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra với trẻ em. Thế nhưng, hầu hết các trường mầm non dân lập và công lập hiện nay đều không có phòng y tế.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vừa có quy định, trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ phải có phòng y tế và nhân viên y tế từ trình độ trung cấp trở lên. Trẻ em phải được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm ít nhất 2 lần. Mỗi trường phải có một phòng làm việc của nhân viên y tế có diện tích trên 12m2. Quyết định này lập tức gây xôn xao dư luận.
Từ bấy lâu nay, nhiều trường mầm non luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ mỗi khi có trẻ nhỏ bị sặc bột, sặc cháo, hóc xương, đồ chơi... Đã có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra khi không có sự can thiệp kịp thời của cán bộ y tế có chuyên môn. Nhà giáo Đỗ Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non Phương Liên cho biết: “Khi xuất hiện những tai nạn bất ngờ, chúng tôi rất hoảng sợ chỉ còn biết cách nhanh chóng đưa các em đến phòng y tế của phường mà thôi. Nhiều giáo viên không biết một chút kiến thức nào để đối phó với trường hợp tai nạn của học sinh. Chúng tôi cũng đã được đi tập huấn một lớp về sơ cứu, cấp cứu nhưng kết quả cũng không đáng kể”. Và tại một số trường mầm non do công tác sơ cứu thiếu chuyên nghiệp như vậy đã từng xảy ra những sự việc đáng tiếc như ở Trường mầm non tư thục Thiên thần nhỏ ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, cháu Trần Nhật Hương đã tử vong vì ngạt dị vật đường thở theo kết luận của Viện Pháp y Quốc gia, Bộ Y tế. Dị vật này được kết luận là tinh bột và sợi Cellulose - thành phần chính trong cấu trúc tế bào thực vật có ở rau quả hoặc các loại cây thân mộc. Mặc dù đã khẳng định là chăm sóc sơ cứu cháu theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, vì không cấp cứu một cách chuyên nghiệp nên các cô giáo ở Trường mầm non tư thục Thiên thần nhỏ vô tình đã làm chậm lại khoảng thời gian cấp cứu có hiệu quả để rồi dẫn đến cháu Hương tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng khẳng định: “Việc thành lập phòng y tế tại các trường mẫu giáo lẽ ra phải được làm từ lâu. Hiện tượng trẻ em bị nghẹn do bỏ đồ chơi vào miệng, hóc xương, sặc bột, điện giật, chết đuối, ngộ độc thức ăn... thường xuyên xảy ra với các cháu đang độ tuổi mẫu giáo. Trong những trường hợp như vậy, các cháu phải được cấp cứu ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, vai trò của phòng y tế trong các trường mầm non là cực kỳ cần thiết”. Bác sĩ An cho biết thêm: “Quyết định của Bộ GD&ĐT đưa ra vào thời điểm này là rất cần thiết. Theo tôi, nếu có phòng y tế thì các trường mầm non nên trú trọng vào khâu phát hiện, phòng ngừa bệnh là chính từ những đợt khám bệnh định kỳ. Từ đó, cán bộ y tế phải có sự liên hệ mật thiết với phụ huynh học sinh. Phòng y tế không thể như bệnh viện được, nhưng chắc chắn nó phải đáp ứng được các nhiệm vụ của y tế học đường. Đó là sơ cấp cứu kịp thời những tai nạn nguy hiểm, chữa được những bệnh thông thường của trẻ em”.
22. KON TUM: Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa Ung bướu
Ngày 10/10, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã phê duyệt đề án Bệnh viện vệ tinh chuyên khoa Ung bướu và Ngoại chấn thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thuộc Sở Y tế Kon Tum. Theo đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng đến năm 2015 khoa Ung bướu phát triển 20 giường bệnh, gồm 4 đơn nguyên: đơn nguyên phẫu thuật, đơn nguyên xạ trị, đơn nguyên hóa chất, đơn nguyên chống đau và chăm sóc triệu chứng.
Bên cạnh đó xây dựng Khoa Ngoại chấn thương quy mô 70 giường bệnh, triển khai thêm đơn nguyên ngoại thần kinh và ngoại lồng ngực mạch máu... tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và Trung ương, nhằm đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực.
23. Bệnh viện TƯ Quân đội 108 kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị
Sáng 11/10, Bệnh viện Trung ương (TƯ) Quân đội 108 đã phối hợp với Ban ChỈ huy quân sự quận Long Biên (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) tổ chức kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị (QNDB) năm 2014.
Tham gia kiểm tra có 182/182 đồng chí cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ QNDB là lực lượng dự bị động viên (DBĐV) ngành y tế thuộc quận Long Biên (Hà Nội) được biên chế vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Qua kiểm tra, thấy rằng các QNDB đã chấp hành nghiêm thời gian quy định, xác định tốt trách nhiệm nghĩa vụ công dân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu là lực lượng DBĐV của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong mọi tình huống.
24. Các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% ca tử vong
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp triển khai "Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển diễn ra trên cả nước từ ngày 13 đến 26/10". Theo TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại các bệnh viện (BV), tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong, trong đó bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là bệnh ung thư, đái tháo đường...
Tuy nhiên, mức tiêu thụ đạm động vật, chất béo tăng liên tục trong khẩu phần ăn trong khi lượng rau tiêu thụ của người Việt Nam vẫn không đổi suốt 30 năm qua. Hiện mức tiêu thụ rau chỉ ở mức trung bình 197 gam/người/ngày, chưa đạt 50% so với khuyến nghị (400 gam/người/ngày). Dinh dưỡng bất hợp lý là yếu tố gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Cũng theo TS Lê Thị Bạch Mai, người dân nên giảm lượng đường, giảm muối trong khẩu phần ăn và nên tăng cường sử dụng rau xanh để phòng bệnh.
25. Học sinh, sinh viên, gia đình cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT
Đây là hướng dẫn mới nhất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đến cơ quan BHXH các tỉnh, thành và BHXH Bộ Quốc phòng về việc ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho học sinh, sinh viên.
Theo đó học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo đóng BHYT theo mức bằng 4,5% , mức lương cơ sở, được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Cụ thể học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Đối với học sinh, sinh viên thuộc gia đình cận nghèo mới thoát nghèo từ năm 2013 được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Tương tự học sinh, sinh viên thuộc gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT.
Ngoài ra học sinh, sinh viên không thuộc diện hộ cận nghèo khi tham gia BHYT tại trường, đóng BHYT theo mức bằng 3% mức lương cơ sở được ngân sách hỗ trợ tối thiểu là 30% mức đóng BHYT. Đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ gia đình cận nghèo chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh thuộc hộ gia đình cận nghèo của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
26. Thực hiện chiến lược y tế biển đảo Việt Nam
“Vai trò của Hội y học trong thực hiện Chiến lược y tế biển đảo” là chủ đề hội thảo khoa học do Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Y học biển Việt Nam và Viện Y học Biển Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc tại TP Hải Phòng sáng 11-10. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Y học biển Việt Nam và hội Y học 18 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. Các phát biểu tại hội thảo đã khẳng định vai trò của các hội y học thực hiện chiến lược về biển đảo và những nghiên cứu khoa học phục vụ việc phát triển y tế ở biển đảo .
Theo đó, hệ thống y tế biển đảo của Việt Nam được tổ chức theo mô hình đất liền, chưa phù hợp với đặc thù địa lý kinh tế- xã hội của vùng biển; năng lực của cơ sở y tế biển đảo còn hạn chế, không đủ khả năng mở rộng phạm vi cứu chữa khi bị chia cắt hoặc tăng đột biến nhu cầu khám chữa bệnh; việc cấp cứu trên biển gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển...
Khắc phục những hạn chế trên, tám giải pháp cụ thể được xây dựng để phát triển hệ thống y tế biển đảo được triển khai, như: nâng cao nhận thức và năng lực quản lý Nhà nước về y tế biển; củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng; đầu tư trang thiết bị y tế, nhân lực, cơ sở hạ tầng để phát triển mạng lưới khám chữa bệnh cho sáu Trung tâm tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù vùng biển đảo và làm nhiệm vụ hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedicine) tại sáu bệnh viện ven biển là Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang; tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; đầu tư trang bị, nhân lực phù hợp; cấp bảo hiểm y tế cho ngư dân...
Trong nhiều năm qua, Viện Y học biển Việt Nam và Hội Y học biển Việt Nam đã tập trung nghiên cứu khoa học về y học biển, y tế biển nhằm phát triển chuyên ngành y học biển đất nước; tham gia đào tạo nguồn nhân lực biển như đào tạo môn y học biển cho sinh viên y khoa cùng với bộ môn y học biển, đào tạo bác sĩ chuyên khoa định hướng về lĩnh vực này, đào tạo 40 lớp về y học biển cho các sĩ quan boong (người đảm nhiệm vị trí chăm sóc, khám chữa bệnh cho thủy thủ đoàn); thay mặt Bộ Y tế trao 1.500 tủ thuốc cấp cứu cho bà con ngư dân và hướng dẫn kỹ kiến thức sơ cấp cứu ban đầu trên biển cho thuyền viên, ngư dân và các lao động biển khác; tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của công tác biển đảo với các cấp chính quyền và người lao động trên biển...
Nhiều báo cáo khoa học liên quan đến chiến lược chung về phát triển y học biển, các đề tài y khoa chuyên môn có giá trị thiết thực tới việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho những người hoạt động trên biển, đảo nước ta hiện nay, như: nghiên cứu một số đặc điểm thần kinh tâm lý của thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu viễn dương; an toàn truyền máu trên vùng biển, đảo; mô hình tổ chức y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các huyện đảo; mô hình bệnh tật của nhân dân các huyện đảo; tai nạn thương tích của ngư dân đánh bắt xa bờ; nhu cầu hỗ trợ y tế của ngư dân...
27. Cẩn thận với sữa mẹ “không rõ nguồn gốc”
Theo Thầy thuốc ưu tú – Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội): “Khi một bà mẹ bị mất sữa mà xin được sữa của một bà mẹ khác thì đấy là một điều rất đáng quý. Vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ mà không có một thực phẩm nào có thể thay thế được.”
Trong điều kiện bà mẹ cho sữa là người khỏe mạnh thì việc cho sữa là điều vô tốt. Nó sẽ giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. “Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chắc chắn là bà mẹ đó khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm,… thì chúng ta mới có thể đi xin sữa được. Bởi nó có thể làm cho trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này”- Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, những bà mẹ bị bệnh lao, viêm gan B, HIV, virus cự bào, hoặc những bệnh truyền nhiễm khác,… mà họ không biết và vẫn cho con bú thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh từ mẹ. Những bà mẹ đang bị cảm cúm, sởi,… cũng có thể sẽ truyền bệnh sang cho con qua sữa mẹ. Bên cạnh đó, những bà mẹ bị stress, dùng nhiều café và các chất cồn, dùng nhiều thuốc kháng sinh, những người có chức năng miễn dịch bị suy giảm,… thì sữa cũng không tốt cho trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu xin sữa của những bà mẹ trên, thì thiên thần nhỏ của bạn cũng sẽ có nguy cơ cao bị mắc các bệnh như vậy hoặc có hệ miễn dịch kém.
Trao đổi về việc hiện nay trên các trang mạng xã hội, nhiều người rủ nhau đi xin sữa, mua sữa mẹ cho con con ăn, Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi cũng bày tỏ quan điểm: “đi xin, đi mua sữa như thế thì cực kỳ nguy hiểm và chúng tôi không khuyến khích những chuyện như vậy. Vì mình không thể biết được liệu người cho sữa có bị mắc bệnh hay không? Xin được một ít sữa cho con chưa biết miễn dịch ở đâu mà lại mang bệnh về cho con thì rất tội cho cả con và cả người cho sữa nữa”. Ngoài ra, quá trình vắt sữa không đúng, rồi “đóng gói” thủ công, bảo quản không đúng cách, dụng cụ đựng chưa vô trùng,… cũng là những nguyên nhân khiến sữa bị nhiễm khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe của trẻ.
28. Các bà mẹ nên đề phòng mất sữa sau khi sinh
Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân khiến các bà mẹ bị mất sữa hoặc ít sữa sau khi sinh như: mẹ quá đau sau khi sinh, sử dụng kháng sinh quá nhiều, ngủ ít, uống ít nước, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, cho con bú quá ít hoặc bú không đúng cách,… Điều này khiến các bé rất thiệt thòi. Vì vậy, các mẹ cần lưu ý để mình không bị mất sữa sau khi sinh.
Theo Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội), “sau khi sinh xong, sản phụ và gia đình có thể cho trẻ tiếp cận với mẹ ngay trong giờ đầu, để bé làm quen với ti mẹ thì sự về sữa sẽ nhanh chóng”. Thông thường sau khi sinh sữa sẽ được tiết từ từ vì vậy sản phụ không nên lo lắng, mà cần phải cho con bú đều đặn để kích thích sữa về. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không nên cho trẻ bé bú sữa công thức sớm sau sinh vì trẻ sẽ quen bú bình và chê ti mẹ.
Mẹ cho con bú nên có chế độ sinh hoạt khoa học, không nên thức khuya, không nên sử dụng các chất kích thích,… Đặc biệt, người mẹ cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng như: thịt, cá, trứng, sữa, dầu, mỡ, bơ, hoa quả,… hoặc các món ăn dân gian như: cháo móng giò, cháo đu đủ, cháo lạc, canh mồng tơi,… Ngoài ra, cần chú ý uống nhiều nước hoa quả, sữa, nước lọc,… để lượng sữa dồi dào.
Đối với những bà mẹ có lượng sữa dồi dào, Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi tư vấn có thể dự trữ sữa trong tủ lạnh từ 3-4 tiếng ở nhiệt độ từ 19 đến 20 độ để mẹ có thể yên tâm đi làm mà vẫn có sữa cho con ăn đầy đủ. Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi cho biết trước khi dự trữ sữa, mẹ cần rửa sạch bầu vú, vệ sinh dụng cụ đựng sữa cẩn thận, và “không nên dự trữ sữa mẹ quá lâu trong tủ lạnh vì nguy cơ nhiễm khuẩn chéo từ các thức ăn khác trong tủ lạnh là rất lớn.”
29.Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 80 triệu đồng đối với chủ cơ sở lương y gia truyền Hà Tộc
Ngày 1/10 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Cơ sở thuốc đông y gia truyền Hà Tộc ở số 34, khu tập thể Ngân hàng Ba La, Hà Đông, Hà Nội, đã phát hiện trong gói thuốc bột đóng gói đều có thành phần hoạt chất tân dược là Prednisolon, Dexamethason acetat và Paracetamol.
Khi có mặt tại khu tập thể ngân hàng Ba La, chúng tôi vẫn còn thấy một số bệnh nhân đến nhà thuốc để đòi lại số tiền mà họ đã chữa trị, mua thuốc trong suốt thời gian qua. Theo quan sát, kể từ sau thời điểm bị cơ quan chức năng phát hiện việc làm ăn gian dối, nhà thuốc này dường như đã dừng hoạt động. Mọi đồ đạc trong nhà đã được chuyển đi nơi khác. Bên ngoài cửa kính không còn biển hiệu mà chỉ còn hai tấm biển nhỏ “Gia đình thầy thuốc” và “Gia tộc thầy thuốc” đều do ông Hà Quang Phước làm chủ, dưới đó là danh sách một loạt những người trong gia đình.
Theo những người dân trong khu tập thể, cơ sở nhà thuốc này mới chuyển đến đây được vài năm. Một số người trong khu dân cư đến lấy thuốc ban đầu thấy bệnh tật có thuyên giảm chút ít, nhưng thời gian sau thì lại đâu vào đấy. “Vẫn biết với thuốc đông y là phải kiên trì trong thời gian dài nhưng nhiều người cũng đành phải bỏ cuộc chuyển sang các loại thuốc khác. Chúng tôi ở ngay cạnh nhà thuốc đông y này nhưng khi bản thân hay con cháu trong nhà bị bệnh đều đến bệnh viện chữa trị”, bà Lê Thị V (45 tuổi) cho biết.
Trước đó, người dân trong khu vực cũng không hề rõ biết nhà thuốc này hoạt động như thế nào, chỉ nghe nói là có nhiều đời làm thuốc trên Hòa Bình về đây mở cơ sở. Mãi đến ngày 1.10, mọi người trong khu phố mới sững sờ khi thấy các cơ quan chức năng đến tiến hành kiểm tra. Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện trong 10 gói thuốc bột đóng gói có nhãn “Thuốc đông y gia truyền” của nhà thuốc đều có thành phần hoạt chất tân dược là Prednisolon, Dexamethason acetat và Paracetamol. Đặc biệt, cơ sở thuốc đông y này không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành lập biên bản xử phạt 80 triệu đồng đối với ông Hà Quang Phước - chủ cơ sở lương y gia truyền Hà Tộc - về hành vi vi phạm sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, yêu cầu cơ sở tiêu hủy toàn bộ số thuốc không bảo đảm chất lượng và chấm dứt ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc.
30.Bà Rịa-Vũng Tàu: 33 học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện
Bệnh viện Bà Rịa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang cấp cứu 33 học sinh của trường trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, phường 12, thành phố Vũng Tàu do nghi bị ngộ độc thực phẩm. Số học sinh này được nhà trường đưa vào bệnh viện cấp cứu rải rác từ lúc 9-13 giờ ngày 13/10. 33 học sinh này nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt và cơ thể mệt mỏi có dấu hiệu mất nước.
Theo bác sỹ Tạ Anh Tuấn, Trưởng Khoa cấp cứu của Bệnh viện Bà Rịa cho biết, qua thăm khám, các bác sỹ bệnh viện xác định các bệnh nhân này đều bị ngộ độc thực phẩm. Đa số các trường hợp tiếp nhận được xử lý kịp thời, chưa có trường hợp diễn biến nặng. Sau khi tiếp nhận các ca trên, các bác sỹ đã cho uống thuốc giảm đau, chống ói và cầm tiêu chảy cho bệnh nhân.
Các em học sinh đang phải nhập viện cho biết, khoảng 6 giờ30 sáng 13/10 sau khi ăn sáng ở căng tin của trường, một số em bắt đầu có triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy; một số em có biểu hiện sốt. Đến khoảng 9 giờ giáo viên nhà trường đã đưa các em vào nhập viện theo dõi. Theo các học sinh này, buổi sáng các em ăn cơm chiên và ăn bún.
Đến thời điểm này, một số học sinh đã ổn định, một số học sinh khác vẫn sốt, nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Số ca nặng vẫn đang được bệnh viện tiếp tục chữa trị.
31. Nghệ An: Một bản có trên 1/3 trẻ mắc sởi
Dịch sởi xuất hiện ở bản Piềng Cọc, xã biên giới Mai Sơn (huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) từ ngày 8/10 đã khiến một trẻ em chết.
48 trong số 127 trẻ em đang mắc dịch, Trường Mầm non ở bản Piềng Cọc phải ngừng hoạt động để lấy năm phòng học làm nơi điều trị bệnh sởi cho học sinh và trẻ em nơi đây. Sáng 13/10, Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết thông tin trên.
Trước tình hình trên, UBND huyện Tương Dương đã tiến hành phiên họp khẩn cấp và thành lập bệnh viện dã chiến tại bản Piềng Cọc để dập dịch sởi nơi đây.
32.Ngành y tế khẩn trương dập dịch sốt phát ban dạng sởi tại Nghệ An
Sở Y tế tỉnh Nghệ An phối hợp với huyện Tương Dương triển khai nhiều giải pháp nhằm dập dịch sốt phát ban dạng sởi tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đang có xu hướng phát triển bởi mầm bệnh và thời tiết thuận lợi.
Trước tình trạng sốt phát ban dạng sởi đang có chiều hướng gia tăng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã Mai Sơn và huyện Tương Dương đã tiến hành họp, tăng cường hoạt động truyền thông cho người dân về phòng chống dịch sởi, tổng dọn vệ sinh môi trường vùng dịch sạch sẽ; phân công các ban ngành, đoàn thể phối hợp với Trạm Y tế cùng chống dịch; tăng cường cán bộ y tế từ Bệnh viện huyện Tương Dương và trung tâm Y tế huyện Tương Dương về điều trị.
Từ cuối tháng Chín đến 13/10, tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương có 49 trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi, độ tuổi mắc bệnh từ 7 tháng tuổi đến 12 tuổi. Trong đó, 17 trường hợp đang điều trị tập trung tại Trường Tiểu học Mai Sơn; 31 trường hợp đã ổn định được theo dõi tại hộ gia đình. Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đã lấy 17 mẫu máu và 17 mẫu dịch ngoáy họng để làm xét nghiệm huyết thanh và PCR đang chờ kết quả.
Ban chỉ đạo đang thu dung và điều trị 17 bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, cách ly bệnh nhân hạn chế tình trạng tử vong; giám sát, phát hiện các ca mắc mới. Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An cùng Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho các bệnh nhân uống Vitamin A theo liều điều trị. Phòng Giáo dục huyện Tương Dương đã cho học sinh nghỉ học tránh tình trạng lây chéo bệnh. Huyện Tương Dương cũng cử đoàn tăng cường cơ sở vật chất, tiếp tế lương thực cho các trường hợp mắc bệnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em cũng hỗ trợ cho mỗi cháu mắc bệnh từ 200-300.000 đồng.
“Trong ngày 14/10, Sở Y tế sẽ chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi tăng cường bác sỹ hỗ trợ điều trị cho vùng dịch, hạn chế tử vong," bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, cho biết.
33.Nghệ An sẽ tiến hành tiêm sởi-rubella cho 760.000 trẻ
Sau hơn hai tháng chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng mở rộng sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên địa bàn Nghệ An, từ đầu tháng 10/2014 đến tháng 2/2015, ngành y tế sẽ tiến hành tiêm cho 760.000 trẻ trong độ tuổi. Riêng tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, ngành đã tiến hành tiêm cho 702/751 trẻ từ 1-14 tuổi, trong đó bản Piêng Cooc đạt kết quả 119/126 trẻ.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, năm nay trẻ dưới 1 tuổi (thường là trẻ trên 1 tuổi mới mắc) mắc sốt phát ban dạng sởi khá cao, chiếm tỷ lệ 38% tổng số trẻ bị mắc, hiện tại trong số đó, nhiều bệnh nhân bị sốt phát ban dạng sởi đã có biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.
34. Quảng Ngãi: Một người tử vong sau khi uống thuốc Nam
Sáng 13/10, Sở Y tế và Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra cơ sở hành nghề y của ông Phạm N. ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Trước đó, bà Lê Thị Nghi (phường Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi) mua chín thang thuốc Nam trị bệnh khớp từ cơ sở này về uống và đã tử vong. Theo tường trình của gia đình nạn nhân, ngày 6-10, sau khi nghe bà Nghi nói rằng mình có dấu hiệu sưng đau hai khớp gối, ông N. đã bán cho bà chín thang thuốc với giá 350.000 đồng. Bà Nghi uống thuốc xong thì có dấu hiệu khó thở, chóng mặt. Vài ngày sau được chẩn đoán chức năng gan suy giảm trầm trọng và tử vong ngày 11/10.
Kiểm tra tại cơ sở hành nghề của ông Phạm N., cơ quan chức năng đã thu chín vị thuốc Nam mà ông kê đơn cho bà Nghi uống. Đó là các loại ngũ sắc, nhàu, chùm chày, rễ dứa, cây khổ sâm, ngải cứu, từ bi, cây hoa trinh nữ và cây mắt mèo. Tại buổi làm việc, ông N. cho biết cách đây 20 năm, khi ông và người nhà bị bệnh đau khớp, ông đã tự đi hái các loại cây trên về phơi khô và sắc uống. Nhận thấy thuốc hiệu quả nên từ tháng 7-2013 đến nay, ông đã bốc thuốc bán cho gần 30 người với giá 50.000 đồng/thang. Ông N. không có chứng chỉ hành nghề y, cơ sở của ông hoạt động không có giấy phép.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Sở sẽ thẩm định kỹ các loại thuốc tại cơ sở của ông N. xem có nằm trong danh mục thuốc cho phép của Bộ Y tế hay không. Đồng thời sẽ mời ông N. đến làm việc với cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của bà Nghi.
35.Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm ở Việt Nam
Thời gian gần đây, bệnh sốt mò xảy ra ở tỉnh Yên Bái, tập trung nhiều ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, thị trấn Nghĩa Lộ; từ tháng Tư đến tháng Chín năm nay đã có gần 80 bệnh nhân sốt mò, chủ yếu là người dân tộc sống ở núi cao.
Ngày 13/10, thông tin từ Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết, bệnh sốt mò xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng Tư đến tháng 10, đỉnh cao vào tháng Sáu-Bảy. Bệnh thường tản phát nhưng có thể bùng thành dịch khi có nhiều người chưa miễn dịch đi vào đúng ổ dịch.
Bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn rừng núi chiếm tới hơn 80%, hiếm ở thành thị. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu ở lứa tuổi lao động, phân bố theo tính chất nghề nghiệp như lâm nghiệp, nông nghiệp, bộ đội.
Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Mầm bệnh Orientia tsutsugamushi (còn có tên R.orientalis, hoặc R.tsutsugamushi), dài 1,2-3mm, rộng 0,5-0,8mm, hình cầu hoặc cầu trực khuẩn, thường xếp thành đám mầu tím đỏ, dưới kính hiển vi điện tử có màng bọc. R.orientalis có 2 ổ chứa trong thiên nhiên là mò và gặm nhấm - thú nhỏ.
Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi dâm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện như sinh hoạt lao động trong ổ dịch; phát rẫy làm nương; bộ đội đi dã ngoại; ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ…
Theo Cục Y tế dự phòng, thời kỳ ủ bệnh sốt mò trung bình từ 8-12 ngày, lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau nên bệnh nhân thường không chú ý. Vào thời kỳ toàn phát, người bệnh có thể sốt cao, liên tục, kéo dài 15-20 ngày thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị; có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm theo sốt, nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sốt mò người dân tránh ngồi, nằm, phơi quần áo hoặc đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát trong rừng cần mang giày và tất, chít ống quần; tốt nhất là tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các kem xua diệt mò. Người dân có thể diệt mò trong môi trường bằng cách phun thuốc diazinon, fenthion vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20cm quanh nhà, nhất là các nơi râm mát...; phát quang bụi rậm xung quanh nhà.
36.Sẽ thành lập Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam
Tại văn bản ngày 13/10, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án thành lập Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam hoạt động theo loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan do Học viện Y khoa Waseda và một số tổ chức, cá nhân của Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Hưng Yên.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hưng Yên và các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng Dự án thành lập Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam theo đúng pháp luật hiện hành; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam dự kiến sẽ đào tạo hệ đại học 4 năm các chuyên ngành gồm: điều dưỡng, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và dụng cụ chỉnh hình chân tay giả. Trường cũng đào tạo hệ cao đẳng 3 năm các chuyên ngành: điều dưỡng, xét nghiệm y học. Ngoài đào tạo, trường còn nghiên cứu khoa học có ứng dụng các công nghệ y học và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục.
Theo cam kết, trường sẽ đi vào hoạt động sau 2 năm được cấp phép đầu tư. Dự kiến, vốn điều lệ hơn 86 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 421 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích khoảng 30ha. Sau 4 năm đi vào hoạt động, trường sẽ có quy mô 1.200 sinh viên, đội ngũ giảng dạy có 80 giảng viên (trong đó có 10 tiến sỹ người nước ngoài và 18 tiến sỹ người Việt Nam); đảm bảo tỷ lệ 15 sinh viên/1 giảng viên.
Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam là loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, do Học viện Y khoa Waseda và một số tổ chức, cá nhân của Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Hưng Yên.
Tại văn bản ngày 30/7, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng Dự án theo đúng quy định tại Nghị định 73 năm 2012 của Chính phủ quy định về hợp tác quốc tế, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam là trường đại học y khoa quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
II. TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Số người chết vì Ebola đã vượt mức 4.000
Số người chết vì Ebola đã vượt ngưỡng 4.000 người trong bối cảnh chính phủ các nước trên thế giới đang cố trấn an dư luận, AFP dẫn thông báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay.
Theo số liệu thống kê của WHO, Ebola đã cướp đi sinh mạng của 4.033 người trong tổng số 8.399 ca nhiễm tại 7 quốc gia tính từ ngày 8.10. AFP cho biết nỗ lo sợ về sự bùng phá đại dịch Ebola đang ngày càng gia tăng tại các nước bên ngoài tây Phi, nơi diễn ra phần lớn ca tử vong vì vi-rút chết người này trong thống kê của WHO.
Chính phủ Canada vào hôm 10/10 đã khuyến cáo công dân nước mình rời khỏi Tây Phi và đang triển khai các biện pháp kiểm tra du khách tại các cửa khẩu. Anh và Mỹ cũng đã tăng cường kiểm tra tại các sân bay lớn trong nước, theo AFP.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo số trường hợp nhiễm Ebola có thể lên đến 1,4 triệu người vào tháng 1.2015 nếu không có các biện pháp mạnh mẽ ngăn ngừa dịch bệnh.
Từ Úc đến Zimbabwe và từ Brazil đến Tây Ban Nha, những người có dấu hiệu sốt hoặc có liên hệ với bệnh nhân Ebola đều bị đưa vào các trại cô lập hoặc được lệnh phải ở trong nhà, AFP cho hay.
Chính quyền các nước cảnh báo các lời đồn đoán có thể gây ra làn sóng hoảng loạn trong dư luận, chẳng hạn như trường hợp một người đàn ông đã bị một đội chuyên viên xử lý chất độc sinh học áp giải xuống một máy bay tại Mỹ sau khi ông này nhảy mũi và la lên rằng: “Tôi bị Ebola. Toàn bộ các người tiêu rồi”.
2.Dịch Ebola tăng báo động, sân bay Mỹ kiểm tra hành khách chặt chẽ
Sân bay quốc tế JFK tại New York đã bắt đầu triển khai kiểm tra kỹ hành khách sau khi thông tin đại dịch Ebola giết chết 4.000 người được công bố.Tất cả hành khách từ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch là Liberia, Sierra Leone and Guinea sẽ phải kiểm tra nhiệt độ và trả lời các câu hỏi bắt buộc.
Các sân bay O’Hare ở Chicago, Newark, Dulles ở Washington và sân bay Atlanta sẽ được triển khai các hình thức kiểm tra hành khách trong vài ngày tới. Tất cả các biện pháp được đưa ra một các nghiêm ngặt sau khi bệnh nhân đầu tiên chết vì Ebola tại Texas hôm thứ tư. Thomas Duncan, nạn nhân từ Liberia đến Mỹ nhưng không hề phát hiện mang mầm bệnh Ebola. Chỉ đến khi được xét nghiệm tại Dallas, các bác sĩ mới phát hiện ra tình trạng bệnh của Duncan.
R. Gil Kerlikowske, ủy viên Hải quan và bảo vệ Biên giới cho biết, người dân Mỹ sẽ có thêm một lớp an toàn nữa đồng thời giúp cơ quan y tế kiểm soát được 94% các du khách đến từ các nước có dịch. Trước tiên, các hành khách sẽ được kiểm tra về thân nhiệt. Nếu có thân nhiệt cao, cơ quan y tế sẽ hỏi hành khách về lịch sử hành trình du lịch của họ trước đi đến Mỹ. Chỉ cần một câu trả lời “có” hoặc hành khách có dấu hiệu sốt, cơ quan y tế sẽ ngay lập tức kiểm tra, xử lý và cách ly nếu phát hiện Ebola. Tuy nhiên, Martin Cetron, Giám đốc Bộ phận toàn cầu về dân nhập cư và kiểm dịch thực vật tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh cho biết: “Không thể nào kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh” và những trường hợp như Thomas Duncan vẫn có thể xuất hiện.
Trong một thông báo mới nhất từ WHO, đã có 4033 người chết vì Ebola, trong đó có 4024 ca là ở các quốc gia Tây Phi. Đây là một con số khủng khiếp. Đã có 8400 ca nhiễm Ebola trên toàn cầu, thậm chí, CDC Mỹ còn dự đoán con số này sẽ chưa dừng lại.
Đại diện của WHO, ông Chris Dye cho biết các chuyên gia y tế hàng đầu của WHO đã đánh giá thấp và không dự báo được quy mô của đại dịch Ebola. WHO đã tuyên bố dịch Ebola tại Tây Phi không phải là dịch nghiêm trọng, và cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra khi tổ chức MSF (Tổ chức Bác sĩ không biên giới) cảnh báo nguy cơ vi rút lây lan nhanh vào hồi tháng 4. Dù thừa nhận sai lầm nhưng đại diện WHO cho rằng điều quan trọng ở thời điểm hiện tại là hướng về phía trước.
Ngăn chặn dịch Ebola lây lan đang là ưu tiên hàng đầu của các nước trên khắp thế giới chứ không còn là nỗi lo của riêng các nước Tây Phi. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ước tính số ca lây nhiễm Ebola có thể lên đến 1,4 triệu vào đầu năm tới nếu không có một nỗ lực quốc tế ngăn chặn điều này.
3.Mỹ: Phát hiện ca thứ hai nhiễm Ebola
Một nhân viên y tế ở bang Texas (Mỹ) ngày 12/10 được xác định nhiễm Ebola theo các kết quả xét nghiệm ban đầu, sau khi chăm sóc cho bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola ở Mỹ và đã tử vong.
Nhân viên y tế này có dấu hiệu sốt nhẹ vào tối ngày 11/10 và được cách ly để tiến hành các xét nghiệm. “Chúng tôi biết trước ca thứ hai mắc Ebola và chúng tôi đã chuẩn bị cho khả năng này”, bác sĩ David Lakey, ủy viên Sở Y tế bang Texas ngày 12/10 cho biết.
Trước đó, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola ở Mỹ, ông Thomas Eric Duncan đã tử vong vào ngày 8/10, sau nhiều ngày cách ly trong bệnh viện ở bang Texas. Và nhân viên y tế này đã từng chăm sóc cho ông Duncan.
4.Nga: Sẽ có thuốc trị Ebola trong nửa năm tới
Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova cho biết, nước này có thể sản được 3 loại vaccine chống virus Ebola trong vòng 6 tháng tới.
Hiện thế giới vẫn chưa có một phương thuốc hay vaccine nào được cấp phép để chính thức sử dụng trong điều trị bệnh Ebola. Tuy nhiên các nhà khoa học đang tập trung nỗ lực phát triển phương thuốc tốt nhất.
Các chuyên gia từ Nga, Nhật Bản và Mỹ có kết quả lớn trong lĩnh vực này. Dù đã có những thử nghiệm vắc-xin trên người tình nguyện nhưng sau khi khẳng định tính hiệu quả của vắc xin mới, phải mất ít nhất một năm để nó xuất hiện trên thị trường.
Theo Vietnamnet, hãng tin Ria Novosti của Nga dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova cho biết, nước này có thể sản được 3 loại vaccine chống virus Ebola trong vòng 6 tháng tới.
Theo bà Veronika, các nhà khoa học nước này đã điều chế được 3 loại vaccine chống virus chết người Ebola đang hoành hành ở Tây Phi. Trong số này, có một loại vaccine đã sẵn sàng cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Một trong số các vaccine mà Nga điều chế được phát triển từ một chủng virus Ebola không hoạt động.
5. Mỹ: Ebola có thể lây lan trong không khí
Các chuyên gia ngày càng bày tỏ quan ngại rằng, virus Ebola có thể lan truyền qua các giọt lơ lửng trong không khí. Điều này sẽ giúp lý giải việc gia tăng chưa từng thấy số ca nhiễm Ebola trong năm 2014.
Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) Tom Frieden đã lên tiếng thừa nhận, virus Ebola có thể lây lan trong không khí.
Tiến sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) cũng chia sẻ quan điểm này. Ông Osterholm bày tỏ: "Đây là mối bận tâm riêng rẽ lớn nhất trong 40 năm làm nghề chăm sóc sức khỏe cộng đồng của tôi. Trong sự nghiệp của mình, tôi không thể tưởng tượng thứ gì đó, kể cả HIV, có khả năng hủy hoại thế giới nhiều hơn virus Ebola truyền nhiễm qua đường hô hấp".
Mặc dù chúng ta có thể chưa hay tin trên các phương tiện thông đại chúng, nhưng cách đây không đầy 2 tháng, CDC đã cập nhật tiêu chuẩn đánh giá của họ về việc truyền nhiễm Ebola, tăng thêm điều kiện "ở cùng trong phạm vi 0,9 mét" hoặc "trong cùng phòng" với ai đó nhiễm virus.
Website của CDC có nêu rõ: "Việc phơi nhiễm Ebola nguy cơ thấp bao gồm bất kỳ trường hợp nào trong số sau đây: các thành viên trong gia đình hoặc người tiếp xúc thông thường khác với bệnh nhân mang mầm bệnh; người chăm sóc bệnh nhân hoặc người tiếp xúc thông thường không có phơi nhiễm nguy cơ cao với bệnh nhân Ebola trong các cơ sở chăm sóc y tế ở những nước chịu ảnh hưởng của dịch bùng phát.
Trong đó, việc tiếp xúc thông thường được định nghĩa là a) trong phạm vi xấp xỉ 0,9 mét hoặc trong cùng phòng hoặc nơi chăm sóc suốt một thời gian dài, mà không mặc các thiết bị bảo hộ cá nhân đề xuất hoặc b) tiếp xúc trực tiếp, chớp nhoáng (chẳng hạn như bắt tay) với một người nhiễm Ebola trong khi không sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân đề xuất".
Một nghiên cứu tiến hành năm 2012 cho thấy, virus Ebola có thể di chuyển qua lại giữa lợn và khỉ, vốn được nhốt ở các chuồng riêng rẽ và không bao giờ được đặt tiếp xúc trực tiếp.
Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC cách đây 2 năm, tiến sĩ Gary Kobinger đến từ Phòng thí nghiệm vi sinh vật quốc gia thuộc Cơ quan quản lý sức khỏe cộng đồng Canada tin rằng, Ebola đã lây lan thông qua các giọt lơ lửng trong không khí. Chuyên gia này giải thích, điều mà ông và các cộng sự nghi ngờ là, Ebola đang truyền nhiễm thông qua các giọt lớn, có thể ngưng đọng trong không khí, nhưng không lâu và không thể dịch chuyển xa.
Tuy nhiên, những giọt chứa virus Ebola có thể được hấp thu vào đường thở của người, bắt đầu gây nhiễm trùng. Các nhà nghiên cứu đã thu được nhiều bằng chứng về việc mầm bệnh nguy hiểm thâm nhập theo cách này ở phổi của động vật linh trưởng không phải con người.
Chủng virus Ebola đang hoành hành tại Tây Phi hiện không phải là Ebola Zaire, mà là một chủng mới. Theo CDC, chủng virus này về mặt di truyền giống chủng Ebola Zaire khoảng 97%. Đây là lí do khiến tiến sĩ Gil Mobley, một chuyên gia về bệnh dịch học Mỹ, nhận định, CDC đang "ém nhẹn" mức độ đe dọa của Ebola đối với nước Mỹ.
Dẫu vậy, một bộ phim tài liệu mới hé lộ, CDC đang rất quan ngại về khả năng truyền nhiễm trong không khí của Ebola. Các nhân viên hàng không đã được yêu cầu cung cấp khẩu trang phẫu thuật cho bất kỳ ai nghi ngờ nhiễm virus để "giảm thiểu số lượng giọt bắn vào không khí thông qua trò chuyện, ho hoặc hắt hơi".
Nhiều chuyên gia đang hoài nghi về khả năng truyền nhiễm của Ebola và đặt câu hỏi "Nữ y tá người Tây Ban Nha đã trở thành người đầu tiên trên thế giới nhiễm Ebola bên ngoài châu Phi như thế nào?". Ủy ban châu Âu thực tế đã yêu cầu Tây Ban Nha giải trình về cách nhân viên chăm sóc y tế này bị nhiễm bệnh, nếu virus không phải lây lan trong không khí.
Các chuyên gia cũng muốn làm rõ việc một nhà quay phim của hãng thông tấn NBC, vốn mặc đồ bảo hộ kín toàn thân, đã nhiễm Ebola như thế nào. Việc trả lời các câu hỏi cơ bản như thế này được coi là vô cùng cần thiết trong bối cảnh Mỹ và các nước khác không hẳn được loại trừ trước nguy cơ bùng phát Ebola trên chính vùng đất của họ.
6. Li-bê-ri-a: Nhân viên y tế đình công do E-bô-la
Theo Roi-tơ, hàng nghìn nhân viên y tế Li-bê-ri-a lên kế hoạch đình công từ đêm 13-10, đặt nước này trong tình trạng báo động y tế khi hàng trăm bệnh nhân nhiễm E-bô-la đứng trước nguy cơ không được điều trị.
Các nhân viên y tế đe dọa đình công tại tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên toàn quốc tới khi Chính phủ đáp ứng đề nghị tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ bảo hộ y tế cho những người chăm sóc bệnh nhân nhiễm vi-rút E-bô-la. Li-bê-ri-a cho biết, 201 nhân viên y tế nước này đã bị nhiễm E-bô-la và 95 người trong số này đã thiệt mạng. Chính phủ Li-bê-ri-a lo ngại việc đình công sẽ hủy hoại các thành quả đạt được trong cuộc chiến chống E-bô-la tại nước này.
Nguồn: Bộ Y Tế