CÁC BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
VIÊM GAN C MẠN CHO BỆNH NHÂN CHƯA XƠ GAN
Bài chia sẻ của BS: Nguyễn Duy Thế - Bệnh viện 175 - TP HCM
Chuyên khoa bệnh nhiệt đới - Hội viên Hội gan mật TP HCM - Chuyên gia tư vấn và điều trị viêm gan siêu vi C.
Cho tới thời điểm hiện tại (năm 2020) việc điều trị viêm gan C mạn đã trở nên rất dễ dàng.
Nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán và đưa vào các thuốc điều trị (DAAs) mới mà viêm gan C mạn được chữa khỏi hoàn toàn 97% - 99% chỉ trong 8 - 12 tuần.
Các thuốc điều trị viêm gan c mạn rất dễ sử dụng, dễ bảo quản và nhất là rất ít tác dụng phụ.
Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ các bước đơn giản để chẩn đoán và điều trị điều trị viêm gan c mạn dành cho các bệnh nhân mới và chưa xơ gan. Các bệnh nhân và nhân viên y tế sẽ dễ dàng áp dụng qui trình này để tiến hành điều trị viêm gan c mạn.
Bước 1: xét nghiệm sàng lọc
Xét nghiệm test nhanh Anti HCV
Nếu Anti HCV + (dương tính) có nghĩa là bệnh nhân có thể "đã" hoặc "đang" bị viêm gan C mạn.
Bước 2: xét nghiệm đo tải lượng HCV RNA
- Nếu HCV RNA + (dương tính) có nghĩa là bệnh nhân "đang" bị viêm gan C mạn. cần điều trị.
- Nếu HCV RNA - (âm tính) có nghĩa là bệnh nhân "đã" bị viêm gan C mạn và đã khỏi, không cần điều trị.
Bước 3: khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cơ bản
Tiến hành hỏi bệnh. khám bệnh và làm các xét nghiệm cơ bản.
Các xét nghiệm cơ bản cần làm:
- Công thức máu
- HBsAg, Anti HIV
- SGOT, SGPT, BILIRUBIN, GGT, AFP, CREATININ
- Siêu âm bụng tổng quát
Lưu ý:
- Nếu là bệnh nhân nữ phải hỏi tình trạng có thai hay không
- Nếu có điều kiện thì nên làm thêm FIBROSCAN và xét nghiệm sàng lọc ung thư gan sớm WAKO.
Bước 4: Tư vấn và chọn phác đồ điều trị
Các bệnh nhân sau sẽ không đưa vào điều trị:
1- Đã bị thất bại điều trị trước đây
2- Đã bị xơ gan
3- Suy thận nặng
4- Đang có thai
5- Đã ghép gan
6- Đang bị ung thư gan (HCC)
7- Đồng nhiễm HIV hoặc siêu vi viêm gan B
Tư vấn cho bệnh nhân về:
-
Phác đồ điều trị
-
Thời gian điều trị
-
Các bước theo dõi, tái khám
-
Cách uống thuốc
-
Các thuốc phụ trợ (nếu có)
-
Tác dụng phụ của thuốc và cách khắc phục
Chọn phác đồ điều trị: Chọn 1 trong 2 phác đồ sau:
1- Glecaprevir (300 mg) / pibrentasvir (120 mg) trong thời gian 8 tuần
2- Sofosbuvir (400 mg) / velpatasvir (100 mg) trong thời gian 12 tuần
Tại Việt Nam bạn nên chọn điều trị bằng Sofosbuvir (400 mg) / velpatasvir (100 mg) vì thuốc có sẵn và giá thành rẻ. Phác đồ Glecaprevir (300 mg) / pibrentasvir (120 mg) hiện thuốc chưa nhập về Việt Nam và giá thành rất cao.
- Tham khảo phác đồ điều trị đơn giản đang được khuyến cáo tại Mỹ:
Bước 5: theo dõi quá trình điều trị:
Xét nghiệm 2 lần tại thời điểm 24-25 ngày sau khi uống thuốc và sau 6 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị:
1- Xét nghiệm lần 1 tại thời điểm 24-25 ngày sau khi uống thuốc:
- Công thức máu
- SGOT, SGPT, GGT, BILIRUBIN, CREATININ
- Đo tải lượng HCV RNA.
2- Xét nghiệm lần 2 tại thời điểm 6 tháng sau khi uống thuốc:
- Công thức máu
- SGOT, SGPT, BILIRUBIN, GGT, AFP, CREATININ
- Siêu âm bụng tổng quát
- Đo tải lượng HCV RNA.
- Nếu có điều kiện thì nên làm thêm FIBROSCAN và xét nghiệm sàng lọc ung thư gan sớm WAKO.
Bạn cần biết:
- HCV có sáu kiểu gen: Genotype 1, 2, 3, 4, 5, 6. Tại Việt Nam các bệnh nhân chủ yếu là bị nhiễm kiểu gen 1, 2, 6 một ít bị nhiễm kiểu gen 4.
- Điều trị viêm gan C mạn theo 5 bước đơn giản trên dùng các phác đồ Sofosbuvir (400 mg) / velpatasvir (100 mg) hoặc Glecaprevir (300 mg) / pibrentasvir (120 mg) nên không cần xét nghiệm kiểu gen vì 2 phác đồ này tác dụng tốt với cả 6 kiểu gen với tỷ lệ khỏi bệnh 97% - 99%.
- Xét nghiệm lần 1 để đánh giá hiệu quả điều trị, xét nghiệm lần 2 sau 6 tháng để đánh giá xem có bị thất bại điều trị hay không.
Thông tin về điều trị viêm gan C mạn bạn cần biết:
-
Tất cả các bệnh nhân điều trị viêm gan C mạn đều được điều trị ngoại trú tại nhà. Bệnh nhân vẫn sống, sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường. Bệnh nhân chỉ tới bệnh viện tái khám và làm các xét nghiệm theo lịch.
-
Các thuốc DAAs nên uống vào buổi sáng ngay sau khi ăn.
-
Trong thời gian điều trị bằng DAAs bệnh nhân không cần kiêng ăn bất kỳ loại thức ăn gì.
-
Nếu bị bệnh khác như tiểu đường, tăng huyết áp, đau nhức, nhiễm trùng ... bệnh nhân vẫn uống thuốc điều trị các bệnh đó bình thường vì DAAs rất ít tương tác với các loại thuốc khác. Nếu các bệnh nhân đang điều trị viêm dạ dày bằng các thuốc như Omeprazle, lansoprazole, Pantoprazole ...cần uống cách xa các thuốc DAAs ít nhất 2h.
Nếu bạn cần bất cứ thông tin gì về viêm gan C mạn
Hãy liên hệ với tôi: BS Thế: 0967 944 226
Tôi sẵn sàng tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc của bạn và giúp bạn điều trị dứt điểm viêm gan siêu vi C mạn.
Tôi sẵn sàng tiếp đón bạn tại các địa chỉ sau:
Tại TPHCM
Phòng khám BS Thế: Số nhà 88 Ngô Quyền, Phường 7, Quận 5, TP HCM. (Ngay trong Phòng Khám đa khoa Tân Hưng, Gần ngã tư đường Ngô Quyền x Nguyễn Trãi).
Thời gian khám và tư vấn từ 08h - 15h các ngày từ thứ 2 tới thứ 6. Thứ 7 và CN xin vui lòng hẹn trước.
(Xin vui lòng điện thoại cho số 0965 444 448 để đặt lịch khám).